Hiến máu tình nguyện được nhận dịch vụ khám, chữa bệnh. Trường mầm non ở thành phố có diện tích tối thiểu 8 m2/trẻ
Những người hiến máu tình nguyện được lựa chọn nhận quà bằng hiện vật hoặc dịch vụ khám bệnh từ 1/11. Ảnh. Nam Phương |
Hiến máu tình nguyện được nhận dịch vụ khám, chữa bệnh
Có hiệu lực từ 1/11, Thông tư 20/2018 của Bộ Y tế quy định người hiến máu tình nguyện được lựa chọn nhận quà tặng là dịch vụ khám, chữa bệnh thay vì chỉ được nhận quà bằng hiện vật như trước. Giá trị tối thiểu của quà tặng như sau: 100.000 đồng với người hiến 250 ml; 150.000 đồng với người hiến 350 ml; 180.000 đồng với người hiến 450 ml máu.
Ngân hàng được cung cấp thông tin bảo mật của khách hàng trong hai trường hợp
Nghị định 117/2018 quy định về việc bảo vệ bí mật, thông tin khách hàng tại các ngân hàng có hiệu lực từ ngày 1/11. Theo văn bản này, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được cung cấp thông tin khách hàng cho tổ chức khác, cá nhân thuộc hai trường hợp: tổ chức khác, cá nhân có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung cấp thông tin khách hàng được quy định cụ thể tại bộ luật, luật, nghị quyết của Quốc hội; có chấp thuận bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác theo thỏa thuận với khách hàng.
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trách nhiệm cung cấp thông tin khách hàng cho chính khách hàng hoặc người đại diện hợp pháp của khách hàng đó.
Doanh nghiệp dưới 10 lao động được miễn gửi bảng lương
Cũng có hiệu lực từ tháng 1/11, Nghị định 121/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương nêu rõ, doanh nghiệp sử dụng dưới 10 lao động được miễn thủ tục gửi thang lương, bảng lương, định mức lao động cho cơ quan quản lý Nhà nước về lao động cấp huyện, nơi đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Từ 1/11, Chính phủ quy định doanh nghiệp dưới 10 lao động sẽ không phải gửi bảng tiền lương. Ảnh. Anh Quân |
Bán hàng đa cấp bất chính bị phạt đến 200 triệu đồng
Theo Nghị định 141/2018 có hiệu lực từ ngày 25/11, mức phạt tiền 80-100 triệu đồng áp dụng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi như: Yêu cầu người khác đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp; yêu cầu người khác mua số lượng hàng hóa nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp…
Mức phạt sẽ tăng gấp đôi với các hành vi trên khi người vi phạm thực hiện trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trở lên.
Cán bộ quản lý thị trường được khám người, phương tiện
Thông tư 35/2018 của Bộ Công Thương có hiệu lực từ ngày 26/11 cho phép công chức quản lý thị trường được phép khám người, phương tiện vận tải khi có căn cứ để cho rằng nếu không kiểm tra ngay thì tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bỏ trốn; tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có thể bị tẩu tán, tiêu huỷ hoặc để ngăn chặn, hạn chế hậu quả do hành vi vi phạm pháp luật gây ra.
Nếu có căn cứ cho rằng trong người hoặc trong phương tiện vận tải, đồ vật hoặc tại nơi cất giấu có cất giấu tang vật vi phạm hành chính, công chức quản lý thị trường áp dụng việc khám người, khám phương tiện vận tải theo thẩm quyền hoặc đề xuất khám với người có thẩm quyền ban hành quyết định khám theo thủ tục hành chính của quản lý thị trường.
Công chức quản lý thị trường đề xuất việc khám phải chịu trách nhiệm trước người có thẩm quyền ban hành quyết định khám và trước pháp luật về nội dung của đề xuất.
Trường mầm non ở thành phố có diện tích tối thiểu 8 m2/trẻ
Nghị định 135/2018 có hiệu lực từ ngày 20/11 quy định các trường mẫu giáo, mầm non và nhà trẻ phải được đặt tại khu dân cư bảo đảm quy định về an toàn và vệ sinh môi trường.
Các trường phải đảm bảo diện tích bình quân tối thiểu 12 m2 cho một trẻ em đối với khu vực đồng bằng, trung du và 8 m2 cho một trẻ đối với khu vực thành phố, thị xã, núi cao và hải đảo.
Đối với các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập, yêu cầu đặt ra là phải có giáo viên trình độ đạt chuẩn; có diện tích phòng nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ ít nhất 1,5 m2 cho một trẻ, có chỗ chơi, có hàng rào và cổng bảo vệ an toàn cho trẻ em; có chiếu hoặc thảm ngồi chơi, giường ngủ và chăn gối màn để ngủ…